Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Giáo sư Ngô Bảo Châu và hoạt động của viện nghiên cứu cao cấp về Toán

MATHVN xin giới thiệu bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Bảo Châu về hoạt động của viện nghiên cứu cao cấp về Toán cũng như lớp hè 2012 của giáo sư. Bài đăng trên VNExpress.
giao su ngo bao chau, hoat dong vien nghien cuu cao cap ve toan
Giáo sư Ngô Bảo Châu về nước tổ chức lớp hè 2012
- Lớp học hè của giáo sư được học viên đánh giá rất cao, giáo sư có phương pháp gì giúp học viên dễ dàng tiếp cận với kiến thức khó?

- Ở mỗi lớp, mỗi đề tài có một phương pháp tiếp cận khác nhau. Tôi lấy ví dụ như lớp sinh hoạt Khoa học máy của GS Hồ Tú Bảo, Xuân Long, John Lafferty có học viên là cán bộ, giảng viên nhiều trường đại học kỹ thuật, bách khoa, quốc gia... có quan tâm đến lĩnh vực học máy. Cách tiếp cận rất hiện đại như dùng thống kê và đủ mọi thứ trong tin học, từ việc truyền thống như nhận dạng tiếng nói, chữ viết cho đến ngành mới trong sinh học như y sinh, nghiên cứu phân tử tế bào bằng phương pháp thống kê.

Lớp của tôi là toán lý thuyết. Tôi có tổ chức một lớp gồm mấy chục sinh viên năm cuối đại học ở ĐH Quốc gia, Vinh, TP HCM và khoảng 5-6 em ở bên Mỹ về tham gia với lớp. Dù học viên ở trình độ khác nhau nhưng sinh hoạt rất sôi nổi. Tôi tin vào học chủ động, không phải chỉ đơn giản là thầy giáo giảng bài, học sinh chép. Tôi tổ chức lớp có hai phần, để cho kể cả những em trình độ thấp và cao đều không bị mất phương hướng.

Đó là xen kẽ một buổi học theo cuốn sách cổ điển, chia thành các chương để các em mỗi em được giao đọc, trình bày và viết lại chương đó. Một buổi khác thì tổ chức seminar về vấn đề thời sự trong lý thuyết số.

Đối với các em nghiên cứu sinh, tôi cũng giao cho đọc mỗi người một mảng khác nhau và trình bày lại. Lớp học này đang triển khai và tuần sau có thể xong. Ở Viện Toán, buổi sáng có seminar, chiều các em tự học, tự trao đổi. Sinh viên đại học có chỗ nào chưa hiểu thì có thể hỏi thêm nghiên cứu sinh, những người có hiểu biết sâu rộng. Mặc dù kiến thức rất khó nhưng các học viên vẫn bám được vào rất tốt.

- Toán học cơ bản tương đối trừu tượng và khó thu hút, Viện Toán đã có kế hoạch phát triển toán học ứng dụng như thế nào?

- Toán học ứng dụng đòi hỏi kinh phí nhiều hơn toán cơ bản. Viện sẽ phải đầu tư nhiều về tài chính và công sức để tìm người thực sự có chuyên môn và ảnh hưởng quốc tế lớn dẫn dắt Toán học ứng dụng. Như năm nay, lần đầu tiên Viện tổ chức khóa học máy may mắn đã có GS Hồ Tú Bảo, Xuân Long, Ngô Quang Hưng là ba nhà khoa học người Việt làm việc ở nước ngoài rất có uy tín trong lĩnh vực này về nước giảng dạy.

GS Bảo có thuận lợi là mỗi năm về nước 10-12 lần nên sự gắn kết với anh em đang làm việc tại Việt Nam rất lớn. Buổi đầu tiên giáo sư giảng có 120 người đến dự, những buổi sau chuyên sâu cũng có tới 60-70 người đến dự. Ngoài ra, ông còn mời được GS John Lafferty ở ĐH Chicago - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực học máy về dạy.

Chương trình này chắc chắn sẽ tiếp tục được giảng dạy ở những năm tới. Tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh như học máy trong lĩnh vực nào đó tập trung hơn như nhận dạng chữ viết, xử lý văn bản, từ điển, làm về y sinh... Và mỗi một lĩnh vực thì ban giám đốc phải tìm được người đầu đàn dẫn dắt, phải có giáo sư người Việt ở nước ngoài, giáo sư ở Việt Nam và giáo sư người nước ngoài giúp đỡ giảng dạy... thì mới có thể thành công.

Trong thời gian tới, Viện cũng chuẩn bị triển khai một số lĩnh vực như toán trong cơ học chất lỏng, toán trong truyền thông, Vật lý vũ trụ học...

- Những hoạt động của Viện Toán đã diễn ra như thế nào so với kế hoạch và kỳ vọng đặt ra, thưa giáo sư?

- Mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn so với những gì tôi dự định. Cả về hành chính, quản trị, khoa học... đều thực hiện rất tốt, mọi người tham gia công tác ở Viện đều nhiệt tình và thiện tâm.

Chương trình Khoa học máy do GS Bảo, anh Long đề xuất, Viện hỗ trợ. Mọi công việc giảng dạy cũng do các anh tổ chức, điều hành. Cũng chính các anh đã mời được GS John Lafferty - một trong số những người giỏi nhất về khoa học máy trên thế giới về giảng dạy. Dù John dạy cùng trường với tôi, cũng quen biết sơ sơ nhưng tôi không biết ông ấy xuất sắc về mảng đó cho đến khi anh Bảo, Long nói với tôi.

Sau này các hoạt động khác cũng sẽ như thế. Viện sẽ định hướng về đề tài, còn việc tổ chức là do một số người có chuyên môn, tự đề xướng, tự thực hiện bởi bản thân lãnh đạo Viện không thể tham dự vào việc tổ chức một cách cụ thể như vậy.
tru so vien nghien cuu cao cap ve toan 2012
Viện NCCC về Toán (VIASM) đang đặt trụ sở tại Tầng 7, Thư viện Tạ Quang Bửu, số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Hiện viện đang chuẩn bị xây trụ sở mới tại Mễ Trì
- Các nhà nghiên cứu cho rằng để khuyến khích nhiều người học toán và phát triển toán học trước hết cần mở rộng khoa Toán ở các trường đại học, quan điểm của giáo sư như thế nào?

- Mọi người nói nhiều đến phương pháp nhưng tôi thấy quan trọng nhất là trình độ, bởi trình độ khoa học thực chất là cần thiết. Chúng ta đang thiếu người có trình độ tiến sĩ để giảng dạy toán ở các trường đại học. Có phương pháp, có nhảy múa quay cuồng nhưng nếu không hiểu toán anh cũng không dạy được. Chính vì vậy việc đào tạo nhiều người có trình độ tiến sĩ cho các đại học là rất cần thiết.

Những người giảng ở trường đại học nhỏ không cần thiết phải có công trình nghiên cứu sắc bén nhưng họ phải hiểu kiến thức cơ bản của toán học một cách chắc chắn. Việc tôi và anh Lê Tuấn Hoa phối hợp với bên Pháp gửi giảng viên sang Pháp học tiến sĩ theo chương trình 322 đến nay có hơn 100 em đã được gửi sang học. Chương trình 322 hỗ trợ 1 năm master, sau đó các trường ĐH Pháp cho học bổng để làm tiến sĩ.

Trong vòng 5 năm, hơn một nửa số đó sẽ có bằng tiến sĩ về phục vụ đất nước. Đáng tiếc là chương trình 322 vừa phải dừng lại. Không phải tất cả các giảng viên đi học đều giỏi, xuất sắc nhưng ít nhất là họ được đào tạo, có kiến thức cơ bản, sẽ là đầu tàu, chủ lực trong việc dạy toán ở Việt Nam.

- Vừa công tác ở Đại học Chicago vừa về Việt Nam lãnh đạo Viện Toán cao cấp, khó khăn nhất đối với giáo sư là gì?

- Khó khăn nhất là về vấn đề cuộc sống gia đình. Giáo sư đại học có hai tháng nghỉ hè để đi chơi với con cái, giờ tôi mất hai tháng nghỉ hè đó. Trong năm học thì cũng phải về một hai lần lo những việc cụ thể của Viện.

Trong năm đầu tiên Viện mới ra đời thì có nhiều việc phải làm. Anh Lê Tuấn Hoa đã lo những công việc hàng ngày của Viện, điều hành hệ thống tổ chức hành chính hoạt động đã rất trơn tru và quy củ.

Công việc chính của tôi là làm việc với hội đồng khoa học của Viện, để chọn lọc những hồ sơ những chương trình chuyên biệt đăng ký đến làm việc ở Viện 2-3 tháng, tìm cách xây dựng những chương trình mới cho những năm tiếp theo. Công việc chính có thể trao đổi qua email, tuy nhiên một năm lãnh đạo Viện cũng phải họp 2-3 lần.

- Viện có những định hướng phát triển gì cho những em tham gia lớp học hè ở Viện, thưa giáo sư?

- Năm nay, các lớp học hoạt động tốt hơn tôi mong đợi. Trước khi về nước tôi nhờ các anh trong hội đồng khoa học giới thiệu cho tôi những sinh viên giỏi, có quan tâm đến chuyên môn của tôi. Các anh viết giấy giới thiệu, gửi cho tôi bảng điểm của các em và cuối tháng 5 tôi lên danh sách lớp. Sau đó, bộ phận hành chính gửi giấy mời cho các em, lo những việc về hậu cần.

Tôi thật sự mừng khi những phần tôi giao các em viết lại đều rất mạch lạc, cẩn thận. Đặc biệt hơn, khi tôi hỏi các em "Lớp học có ích cho các em không?", tất cả đều trả lời là "Rất có ích" và nói rằng các em rất quý thời gian ở đây, được trao đổi thêm với các bạn nghiên cứu sinh ở Mỹ về, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu.

Đối với những em đang học đại học, khi tôi biết các em rõ về các em hơn thì tôi có thể giới thiệu các em đi học nước ngoài. Việc du học hiện nay không phải là quá khó nữa.

MathVn.Com (Theo Hoàng Thùy, VNExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét