Bao giờ GV được thưởng Tết? |
Đã hơn 10 năm đi dạy, tôi đã thắm thía rất nhiều điều về thu nhập của giáo viên trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đã có rất nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất khác nhau về chế độ và chính sách, tiền lương cho giáo viên và cán bộ công chức của ngành giáo dục, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và bền vững. Những đến thời điểm này, giáo viên đã có được những chính sách ưu đãi về tiền lương như thế nào ngoài khoản phụ cấp đứng lớp? Thôi thì chúng tôi tự nghĩ mình vẫn là Cán bộ, công chức Nhà nước, chúng tôi vẫn được hưởng lương theo quy định, vẫn làm việc và cống hiến như bao người khác trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau của xã hội. Nhưng cứ mỗi năm, vào dịp Tết đến, chúng tôi thật sự ngậm ngùi khi ai đó nhắc đến tiền thưởng của giáo viên, mà đúng nghĩa hơn đó là trợ cấp Tết. Vào dịp Tết năm đó, một em học trò cũ về thăm tôi. Qua nhiều đề tài thầy - trò tâm sự, em hỏi:“Tết này thầy được thưởng bao nhiêu?” Tôi trầm lắng và cũng vì tự trọng của nghề tôi nói cho qua lệ “ 500.000 đồng” (tức là gấp 10 lần sự thât!). Nhưng em đã trố mắt tôi và bảo: “Sao ít thế, em gấp thầy ít nhất 20 lần”….
Những năm trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các tỉnh thành, các ban ngành đoàn thể hãy chung tay chăm lo cái Tết cho giáo viên, đừng để nước mắt phải chạy ngược vào lòng mỗi khi Tết đến. Đó là lời kêu gọi, là tấm lòng của những người có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là việc thực hiện lời kêu gọi đó như thế nào, bởi cơ chế thưởng Tết cho giáo viên và cán bộ ngành giáo dục hiện nay không được ghi vào kinh phí của ngành giáo dục. Báo Tuổi Trẻ ngày 28-12-2010 đua tin, những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại TP Hồ Chí Minh đều được thưởng vào dịp Tết với mức thưởng bình quân từ 4,9 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Tại sao vây? Có lẽ năm 2010 vừa qua, những doanh nghiệp này đã tổng kết và mang về cho ngân sách Nhà nước nhiều khoản lợi nhuận thỏa đáng, cụ thể. Và họ được hưởng một phần của những khoản lợi nhuận đó. Thiết nghĩ, nếu với cơ chế như thế thì ngành Giáo dục làm sao có được tiền thưởng Tết, vì mỗi năm ngành không thể tổng kết, tính toán được lợi nhuận được bằng những con số tiền cụ thể. Và Tết này, chúng ta – những Giáo viên và cán bộ, công chức ngành Giáo dục sẽ không có tiền thưởng.
Minh Khang
(Tác giả gửi đăng trực tiếp trên MathVn.Com)
(Tác giả gửi đăng trực tiếp trên MathVn.Com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét